Tin khác

 

Dùng cây đậu phộng dại trồng trong vườn tiêu để tạo thảm thực vật, sau đó dùng loại cây này làm thức ăn cho dê, rồi dùng phân dê bón lại cho cây tiêu, giúp cây tiêu phát triển tốt, ít chất hóa học trong hạt tiêu, tạo ra sản phẩm tiêu sạch, đáp ứng được vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đây là mô hình thực hiện theo quy trình khép kín, kết hợp giữa trồng trọt với chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đã được một số nông dân xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ thực hiện trong 3 năm trở lại đây.

    Năm 2011, được sự hướng dẫn của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Cẩm Mỹ, anh Trần Văn Tánh, nông dân ấp 2, xã Lâm San trồng cây đậu phộng dại trong vườn tiêu rộng 2,5 ha, để tạo thảm thực vật có ích cho vườn tiêu, giúp cây tiêu phát triển tốt và tránh được sâu bệnh gây hại. Thấy được đám cỏ dại mọc ngày càng xanh tốt, anh bắt đầu nuôi 50 con dê để tận dụng cây cỏ dại nhiều chất đạm này làm thức ăn cho đàn dê. Nguồn phân chuồng gần 30 tấn được lấy từ đàn dê mỗi năm, anh đem bón lại cho vườn tiêu, giúp anh mỗi năm giảm được gần 30 triệu đồng tiền mua phân hữu cơ. Không chỉ giảm được chi phí mua thuốc phòng trị bệnh, mua phân hửu cơ bón cho vườn tiêu, nguồn phân dê bón cho cây tiêu còn giúp cho năng suất chất lượng của vườn tiêu được nâng lên đáng kể. Anh Trần Văn Tánh được xem là người đầu tiên, tiên phong thực hiện mô hình trồng cỏ nuôi dê, lấy phân bón cho cây tiêu trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ. Anh Tánh cho biết: “Cái cây đậu phộng dại này nó có lượng đạm là khoảng 12%, giúp dê tăng trưởng rất là nhanh. Nếu cho dê ăn bằng các dạng lá, thì một tháng con dê tăng khoảng 2 đến 3 ký, còn nuôi bằng loại cây cỏ đậu phộng dại này, nó sẽ tăng trọng từ 4 đến 5 ký trên 1 tháng. Nuôi dê bằng cỏ đậu phộng dại,  phần lợi thứ nhất là đàn dê tăng trọng nhanh, thứ hai được nguồn phân hữu cơ, mà phân dê tự sản xuất lấy thì nó có cái chất lượng cao hơn so với thị trường phân hữu cơ hiện nay, vì phân chuồng thường là bị giả, kém chất lượng”. 

http://cammy.dongnai.gov.vn/PublishingImages/Hinh%201%20Anh%20Tanh%20bon%20phan%20de%20cho%20vuon%20tieu.BMP  (Anh Trần Văn Tánh, bón phân dê cho vườn tiêu rộng 2,5 ha

có thảm thực vật bằng cây đậu phộng dại) 

 

    Từ lợi ích của việc áp dụng quy trình khép kín của mô hình trồng cỏ nuôi dê, lấy phân bón cây tiêu. Trong niên vụ tiêu 2014 vừa qua, tuy anh Trần Văn Tánh chưa được cấp một giấy chứng nhận nào về VietGAP hay GlobalGAP, nhưng thông qua Hợp tác xã Nông nghiệp Lâm San anh được một công ty Nhật Bản thu mua 05 tấn tiêu đen do anh sản xuất, với giá thành 217.000 đồng/ký cao hơn 16.000 đồng một ký so với giá thu mua trên thị trường lúc đó. Anh Trần Văn Tánh cho biết: “Đối với các thị trường khó tính, khi họ đến mua sản phẩm tiêu, họ test từ cái chất lượng đất, nguồn nước cho đến cái chất lượng của hạt tiêu, cũng như các dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thì nó gồm khoảng 259 chất. Nhưng mà gần như họ không tìm thấy cái dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các mẫu tiêu ở nhà đã xuất đi”.  

http://cammy.dongnai.gov.vn/PublishingImages/Hinh%202%20Anh%20Tanh%20cho%20de%20an%20cay%20dau%20phong.BMP

(Anh Trần Văn Tánh cho đàn dê 50 con ăn cây đậu phộng dại được trồng trong vườn tiêu) 

 

    Thấy được hiệu quả của mô hình trồng cỏ nuôi dê, lấy phân bón cây tiêu của anh Trần Văn Tánh và một số nông dân trong xã. Năm 2014, anh Phạm Xuân Chiên, nông dân ấp 3, xã Lâm San đã nuôi 70 con dê để lấy phân bón cho 2,5 ha tiêu. Do chưa trồng được cây đậu phộng dại trong vườn tiêu, nên anh tận dụng lá của cây gòn làm nọc tiêu để cho dê ăn. Rồi lấy phân dê ủ cho hoại mục để bón cho vườn tiêu. Bước đầu đã đem lại cho anh một khoản nhập không nhỏ từ việc nuôi dê, cũng như chất lượng hạt tiêu được nâng lên. Anh Phạm Xuân Chiên cho biết: “Vườn tiêu của tôi được bón phân dê, thì chất lượng nó cao hơn, có độ thơm hơn và độ cay hơn và chất lượng nặng nó vẫn nặng lạng hơn. Một năm tôi nuôi khoảng được 70, 80 con dê này, thì thu nhập một năm về chăn dê thì cũng được 60 đến 70  triệu đồng trong một năm. Với lại lấy được khoảng 20 đến 25 khối phân để chăm sóc cho tiêu, thì nói chung hiệu quả cũng cao. Tính ra thì cũng chắc được 70 đến 80 triệu đồng trong một năm”.                 

http://cammy.dongnai.gov.vn/PublishingImages/Hinh%203%20Anh%20Chien%20nuoi%20dan%20de%2070%2080%20con.BMP (Anh Phạm Xuân Chiên, mỗi năm nuôi đàn dê từ 70 đến 80 con

để lấy phân bón cho vườn tiêu rộng 2,5 ha)

 

    Hiện trên địa bàn xã Lâm San có hơn 1.000 ha tiêu, là vùng chuyên canh cây tiêu lớn nhất của huyện Cẩm Mỹ, nhưng trong đó chỉ mới có gần 30 hộ thực hiện mô hình nuôi dê lấy phân bón cho cây tiêu. Vì vậy mô hình này đang được UBND xã Lâm San tiếp tục tuyên truyền vận động nông dân trồng tiêu trên địa bàn xã áp dụng. Nhằm tạo ra nhiều sản phẩm tiêu sạch, để cung cấp cho thị trường trong nước, cũng như đáp ứng được yêu cầu khắc khe của các thị trường châu Âu.